Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình KT-XH của UBND tỉnh tháng 3, Quý I/2022; nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý II/2022

UBND tỉnh vừa ban hành Báo cáo số 66/BC-UBND ngày 8/4/2022 đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình KT-XH của UBND tỉnh tháng 3, Quý I/2022; nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý II/2022.

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA UBND TỈNH QUÝ I/2022

Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Đôn đốc triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nhất là tiêm cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch (GRDP Quý I/2022 ước tính tăng 11,24%).

Tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2022 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022; ban hành và triển khai chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh; phát động phong trào thi đua yêu nước nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu, kế hoạch năm 2022 đề ra. Chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp thứ 6 (tháng 3/2022), thứ 7 (tháng 4/2022), HĐND tỉnh khóa X và báo cáo phục vụ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7, khóa XXII (tháng 4/2022).

Tổ chức tốt các hoạt động đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đảm bảo nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Ban hành Chỉ thị về tăng cường thu ngân sách, chống thất thu và nợ đọng thuế. Tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công để triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm vùng Đông. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo khắc phục các thiệt hại do thiên tai, bão lũ cuối năm 2020, 2021 và đầu năm 2022 gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh cho nhân dân; nhất là các khu vực bị sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Đi kiểm tra thực địa và làm việc với các ngành, địa phương về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch vùng Đông, vùng Tây, quy hoạch phân khu vùng Đông; triển khai nhiệm vụ quy hoạch - thiết kế cảnh quan sông Thu Bồn đoạn từ cầu Giao Thủy đến cầu Cửa Đại, ven sông Trường Giang, sông Cổ Cò.

Chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022; triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm, nhất là dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi; tiếp tục thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác phòng, chống hạn, nhiễm mặn; vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2022. 

Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng; tập trung xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp, xử lý rác thải tại các khu vực đô thị, nông thôn; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu chứa xử lý rác thải, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, gia cố đảm bảo an toàn các bãi chứa rác thải; giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản cát, sỏi,… trên sông Vu Gia, Thu Bồn.

Đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe. Rà soát, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy định; ban hành Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của tỉnh giai đoạn 2022-2025. Chỉ đạo khắc phục hậu quả tai nạn vụ lật, chìm ca nô chở khách du lịch tại vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để tổ chức Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; nhất là Chương trình khai mạc đã tổ chức thành công. Triển khai kế hoạch giảm nghèo năm 2022. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát, xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng…, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Tổ chức tốt các hoạt động nhân Kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2022).

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai Chương trình chuyển đổi số, Chính quyền số tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Ban hành Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh Quảng Nam. Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Nâng cao hiệu quả sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh (LRIS), Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Ban hành "Đề án cải thiện và nâng cao vị thứ xếp hạng đối với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh giai đoạn 2021-2025"

Hoàn thành tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tỉnh. Triển khai công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2022; tổ chức giao, nhận quân năm 2022 đảm bảo số lượng và chất lượng quy định. Thực hiện tiếp công dân, đối thoại với công dân, giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị của công dân; nhất là giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, phấn đấu đưa tỷ lệ 55% hiện nay lên 70% vào cuối năm 2022; nhất là phân cấp quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành cho UBND cấp huyện giải quyết. Tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; hoàn thành cơ bản việc thẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Chuẩn bị kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo kịp thời, đủ số lượng làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Trong Quý I/2022, UBND tỉnh tổ chức 03 phiên họp thường kỳ, 01 Hội nghị giao ban đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022 và nhiều cuộc họp, Hội nghị khác để giải quyết các công việc liên quan; tiếp nhận và xử lý gần 13.000 văn bản của Trung ương, các ngành và địa phương; ban hành gần 4.000 văn bản các loại để chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh và đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 3, 3 THÁNG NĂM 2022

1. Về kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2022 ước tăng 11,24%[1] so với cùng kỳ. Đây là mức trưởng khá cao so với cả nước[2], là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong Khu vực kinh tế trọng điểm Miền Trung[3].

a) Sản xuất công nghiệp phục hồi ấn tượng

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc, thích ứng với tình hình mới, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,09% so với cùng kỳ, riêng ngành công nghiệp tăng 15,62%. Đặc biệt Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải đã trở lại sản xuất kinh doanh với kết quả khả quan trong thời gian thực hiện chính sách giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước, là động lực chủ yếu cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh phát triển. 

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2022 tăng 22,5% so tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ. Tính chung Quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,6% so với cùng kỳ; trong đó, tăng chủ yếu ở ba nhóm ngành lớn: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 20,1%), cung cấp nước, xử lý rác thải (tăng 9,3%), ngành công nghiệp khai khoáng (tăng 5%); riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,7% so với cùng kỳ.

Trong Quý I/2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,8%; chỉ số tồn kho giảm 23,4%; chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ.

b) Thương mại, dịch vụ dần phục hồi

Hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động trở lại, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh do chính sách mở cửa du lịch và các hãng hàng không nối lại nhiều đường bay quốc tế, tốc độ tăng trưởng khu vực thương mại, dịch vụ tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03/2022 đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ. Tính chung Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa khoảng 12 nghìn đồng, chiếm 78,2% và tăng 8,6% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên 02 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Tổng lượt khách lưu trú tháng 3/2022 gần 92 nghìn lượt khách, tăng 32,4% so với tháng trước, tăng 21,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1,4 nghìn lượt khách, tăng 1,6%, khách trong nước đạt 90 nghìn lượt khách, tăng 33,1%; tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ hơn 2 nghìn lượt khách, tăng 68,9% so với tháng trước và tăng 34,6% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng năm 2022, tổng lượt khách lưu trú đạt 207 nghìn lượt khách, tăng 21,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 4 nghìn lượt khách, tăng 23,5%; khách trong nước đạt 203 nghìn lượt khách, tăng 21,3%; tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ ước đạt 4,3 nghìn lượt, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ gần 887 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu vận tải hành khách gần 73 tỷ đồng, giảm 33%; doanh thu vận tải hàng hóa hơn 676 tỷ đồng, giảm 19%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 137,3 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ.

Sản lượng hành khách vận chuyển đạt 1,4 triệu lượt khách, giảm 41,3% so với cùng kỳ và luân chuyển hành khách đạt 81,6 triệu lượt khách.km, giảm 48,7%. Sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2,8 triệu tấn, giảm 33,3% và sản lượng hàng hóa luân chuyển đạt 307 triệu tấn.km, giảm 34,2% so với cùng kỳ.

c) Về sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 3 tháng năm 2022 tăng 4,04% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các cây trồng vụ Đông Xuân đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt. Chăn nuôi phát triển khá, dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Phong trào trồng rừng và “Tết trồng cây” đầu xuân được nhiều địa phương ra quân hưởng ứng tích cực. 

Toàn tỉnh cơ bản kết thúc gieo trồng vụ Đông Xuân. Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả tỉnh đạt 41,6 nghìn ha, tăng 72 ha so với cùng kỳ. Hiện cây lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, một số diện tích đã trổ sớm, tuy nhiên sâu bệnh gây hại xuất hiện rải rác, các địa phương đang tích cực có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn trâu hiện nay 59.400 con; đàn bò 172.500 con; đàn lợn 319.400 con; đàn gia cầm 8,5 triệu con. Đến nay, toàn tỉnh còn 49 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi; số lợn mắc bệnh tiêu hủy 1.124 con, trọng lượng tiêu hủy trên 85 tấn; bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện ở 27 xã, phường, thị trấn. 

Nhờ thời tiết thuận lợi cho tàu thuyền tham gia đánh bắt vùng xa bờ nên sản lượng khai thác thủy sản gần 24,8 nghìn tấn, tăng 794 tấn so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác chiếm 86%, sản lượng thủy sản nuôi trồng chiếm 14% trong tổng sản lượng. 

Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng. Diện tích rừng trồng tập trung 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 1,7 nghìn ha, tăng 70 ha so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán gần 3,3 triệu cây, tăng 124 nghìn cây; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 175 nghìn m3, tăng 8 nghìn m3.

d) Xây dựng chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả

Chương trình nông thôn mới (NTM) đạt được những kết quả nhất định. Số xã được công nhận đạt chuẩn NTM lên 118 xã/194 xã, đạt tỷ lệ 60,8%; bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16 tiêu chí/xã, tăng 4,46 tiêu chí so với năm 2015 và tăng 13,35 tiêu chí so với năm 2010. Có 04 địa phương[4] hoàn thành nhiệm vụ NTM, tiếp tục duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới. Xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu bước đầu đạt được những kết quả, đến nay có 172 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí NTM, tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương. 

Năm 2022, phấn đấu có thêm ít nhất 05 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 123 xã, đạt tỷ lệ 63,4%, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh từ 16,5 tiêu chí/xã trở lên; có thêm ít nhất 05 xã NTM nâng cao và duy trì 01 xã NTM kiểu mẫu; có thêm ít nhất 40 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.

2. Tài chính, tiền tệ và thu chi ngân sách

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp[5].

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, an toàn, thông suốt. Tổng nguồn vốn huy động đạt 69.660 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm và tăng 8,08% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 76,47% trong tổng nguồn vốn; tiền gửi thanh toán chiếm 22,74%; tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu chiếm 0,79% tổng nguồn vốn.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay đạt 86.500 tỷ đồng, tăng 1,17% so với đầu năm và tăng 10,69% so với cùng kỳ. Tổng nợ xấu trên địa bàn là 403 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ, tăng 4,9% so với đầu năm. 

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.744 tỷ đồng, đạt 38% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 6.265 tỷ đồng, đạt 35% dự toán năm và tăng 2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công nghiệp ô tô từ Tập đoàn Ô tô Trường Hải và các doanh nghiệp thủy điện với tổng doanh thu đạt 4.707 tỷ đồng, đạt 39% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu đạt 2.471 tỷ đồng, đạt 49% dự toán, tăng 110% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 5.622 tỷ đồng, đạt 23,5% dự toán năm; trong đó, chi thường xuyên hơn 2.368 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 3.254 tỷ đồng. 

3. Về đầu tư và xây dựng

Tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 hơn 5.861 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện kế hoạch năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 4.457 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.404 tỷ đồng (chưa tính 03 chương trình mục tiêu Quốc gia). Đến nay, đã phân bổ hơn 4.901,356/5.861,264 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch[6]. Các ngành, địa phương đang tập trung giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư, đơn vị cơ sở. Tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra, nhất là các dự án trọng điểm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện Quý I/2022 gần 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1%; nguồn vốn huy động từ khu vực ngoài nhà nước thực hiện 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3%.

Trong 03 tháng đầu năm, các ngành, địa phương tập trung cho việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 và thực hiện thủ tục kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn 2021 sang năm 2022. Kết quả giải ngân đến 31/3/2022 đạt 10,2% so với tổng kế hoạch vốn.

Đến nay, nợ khối lượng hoàn thành toàn tỉnh 1.003,8 tỷ đồng, giảm 28,9 tỷ đồng so với năm 2020; trong đó: nợ cấp tỉnh 350,5 tỷ đồng (chủ yếu là các công trình do Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư); nợ cấp huyện 653,3 tỷ đồng (chủ yếu là ở các huyện: Thăng Bình, Tiên Phước, Duy Xuyên, Đại Lộc). 

4. Cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 xác định 07 nhiệm vụ trọng tâm, với 41 chỉ tiêu và 7 đề án để triển khai thực hiện trong năm 2022. Tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 18.573 hồ sơ và đã giải quyết 8.288 hồ sơ; trong đó trước và đúng hạn 8.270 hồ sơ, chiếm 99,78% và trễ hạn 18 hồ sơ, chiếm 0,22%).

Tiếp tục triển khai rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả[7].

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của tỉnh tiếp tục được tăng cường; hỗ trợ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành và công tác quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan. Hệ thống thư điện tử công vụ trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với 25.617 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp sử dụng. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử tại các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đạt trên 90%. Đã thực hiện kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản Quốc gia. 

Trong quý I/2022, có 293 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7% so với cùng kỳ, vốn điều lệ đăng ký hơn 2.133 tỷ đồng, tăng 18%. Có 606 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, 492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 37%; 62 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 3%; 52 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24%. Tuy có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể vẫn tăng so với cùng kỳ. Cấp mới 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 8,62 triệu USD. Cấp phép 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.250,74 tỷ đồng, tăng 05 dự án và giảm 27,6% vốn đăng ký so cùng kỳ.

5. Công tác dân tộc, miền núi, giảm nghèo và an sinh xã hội

Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định, đời sống nhân dân được chăm lo, không xảy ra tình trạng thiếu lương thực; văn hóa xã hội, công tác giáo dục, y tế được các địa phương quan tâm, nhất là công tác hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phòng, chống bệnh Covid-19; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có điểm nóng xảy ra; các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng pháp luật.

Công tác giảm nghèo tiếp tục được triển khai thực hiện với các chính sách như: cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ thoát nghèo bền vững; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo,... Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, cuối năm 2021 tổng số hộ nghèo 19.212 hộ, tỷ lệ 4,4%, giảm 3.156 hộ; tổng số hộ cận nghèo 7.823 hộ, tỷ lệ 1,79%, giảm 1.041 hộ (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo 33.127 hộ, tỷ lệ 7,59%, tăng 10.759 hộ; tổng số hộ cận nghèo 8.202 hộ, tỷ lệ 1,88%, giảm 662 hộ).

Đã xác nhận, thẩm định, giải quyết và thực hiện các chế độ liên quan đến đối tượng chính sách người có công 1.214 trường hợp. Toàn tỉnh hiện có 15.332 Bà mẹ VNAH, hiện còn sống 454 Mẹ. Tất cả các Mẹ còn sống đều đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân, người lao động, theo dõi việc chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động theo đúng quy định; nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của công nhân, phối hợp giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ việc phát sinh, không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và an ninh trật tự trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tình hình đời sống nhân dân có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết và thời gian giáp hạt đầu năm 2022, chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân, không để người dân thiếu lương thực. Thực hiện chi trả các chế độ trợ cấp và các chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác kịp thời, đúng quy định.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, đã đưa 04 người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài[8]; giải quyết trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 801 người, với tổng số tiền chi trả hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề đối với 27 người, với số tiền gần 140 triệu đồng.

Cấp miễn phí gần 487 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng 100% mức đóng bảo hiểm y tế: người nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn; người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo và hỗ trợ đóng 70% bảo hiểm y tế cho 7.908 người cận nghèo.

Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến nay, có hơn 6.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ với hơn 270 nghìn người lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 234 tỷ đồng.

6. Về một số lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường

Hoạt động văn hóa, thể thao 03 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào các hoạt động văn hóa truyền thống trong những ngày Tết Nguyên đán và tổ chức đón xuân Nhâm Dần năm 2022. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Nam (01/01/1997 - 01/01/2022); tuyên truyền Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh gắn với kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quê hương.

Tổ chức thành công Lễ Khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 đảm bảo hiệu quả, an toàn. Hoàn chỉnh Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng theo định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, tự nhiên, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đồng thời gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025. Chuẩn bị tổ chức Lễ Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam lần thứ IX năm 2022, tổ chức thành công giải Cờ tướng vô địch tỉnh Quảng Nam lần thứ X. 

Tạp trung hoàn thành giảng dạy học kỳ 2 năm học 2021-2022 theo đúng khung thời gian năm học. Hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư và phân bổ hợp lý trên địa bàn tỉnh, năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 797 trường, giảm 4 trường so với năm học 2020-2021, với hơn 362.748 học sinh[9]. Các điều kiện thiết yếu trong trường học, khu vệ sinh cho học sinh được đầu tư, cảnh quan sư phạm ngày càng xanh, sạch, đẹp. Công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, ngày càng được chú trọng; năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 117 dự án khoa học của học sinh tham gia trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.

Triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 59 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được triển khai thực hiện. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển các sản phẩm trọng điểm có lợi thế so sánh của địa phương. Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt quan tâm. Mô hình triển khai Hệ sinh thái tích hợp khoa học, hiệu quả, mở rộng kết nối, tạo cảm hứng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, được các cơ quan Trung ương, chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam và cộng đồng khởi nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao; là địa phương đầu tiên trong cả nước hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong quý I/2022, đã tiếp nhận và xử lý 20 hồ sơ; trong đó, 05 hồ sơ/01 doanh nghiệp đăng ký công bố hợp chuẩn, 15 hồ sơ/03 doanh nghiệp đăng ký kiểm tra hàng nhập khẩu.  

 Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch được tập trung thực hiện; đẩy mạnh chỉ đạo việc thực hiện 5K[10]. Đến nay, tỉnh đã nhận 3.247.040 liều văcxin Covid-19 và đã tiêm 3.043.857 mũi tiêm, đạt tỷ lệ 93,7% so với vắcxin đã nhận. Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam là bệnh viện đầu tiên triển khai đưa vào hoạt động phòng khám hậu Covid-19. Phòng khám cung cấp các dịch vụ khám, tầm soát và tư vấn điều trị toàn diện các di chứng cho các bệnh nhân sau mắc Covid-19. 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, các địa điểm vui chơi, du lịch; nhất là trong giai đoạn cấp bách khi dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tập trung xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

7. Về nội chính, quốc phòng - an ninh và đối ngoại

Trong quý I/2022 đã ban hành 27 kết luận thanh tra, trong đó, có 19 kết luận thanh tra năm 2021 chuyển sang, phát hiện sai phạm 11.302,7 triệu đồng và 109.790 m2 đất tại 165 đơn vị, cá nhân được thanh tra; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 6.248,2 triệu đồng và 109.790 m2 đất; kiến nghị chấn chỉnh, giảm trừ quyết toán và xử lý khác 5.054,1 triệu đồng. Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 56 tập thể, 31 cá nhân. Tổ chức triển khai cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, văcxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Tổ chức thực hiện 64 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 277 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 79 tổ chức, cá nhân vi phạm; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 265 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 01 tỷ đồng. 

Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên. Trong quý I/2022 các cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết 2.831 lượt/3.019 người[11], tăng 0,7% về số lượt so với cùng kỳ; có 10 đoàn nhiều người[12]. Tình hình tiếp công dân có tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu công dân đến kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân, đã giải thích, hướng dẫn người khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; giúp lãnh đạo các cấp giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, những nguyện vọng chính đáng của công dân. Tiếp nhận 2.363 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh[13], tăng 25% so với cùng kỳ (tăng 476 đơn). Qua giải quyết đơn thư các cấp, các ngành chú trọng tổ chức tốt công tác đối thoại nên công dân đã rút đơn đáng kể; kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên hạn chế đơn thư vượt cấp, không phát sinh điểm nóng.

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh ổn định, công tác bảo vệ các ngày Lễ, Tết được đảm bảo. Các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự; tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tập trung hướng vào thực hiện tốt công tác nghiên cứu, nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động triển khai kế hoạch, chuyên án đấu tranh có hiệu quả. Hoàn thành công tác giao quân năm 2022, đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu theo quy định. Công tác đối ngoại đảm bảo, thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

Từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ, chết 19 người, bị thương 23 người, thiệt hại tài sản khoảng 516 triệu đồng. So với cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm 11 vụ, giảm 13 người chết, giảm 11 người bị thương. Đặc biệt, ngày 26/02/2022 đã xãy ra vụ tai nạn chìm tàu ca nô nghiêm trọng tại Hội An, khiến 17 người chết; 22 người bị thương.

* Đánh giá chung: tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022 trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, nền kinh tế cơ bản dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khá cao. Khu vực thương mại, dịch vụ có dấu hiệu khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đang dần phục hồi và duy trì sản xuất; thu ngân sách nhà nước tăng khá so với cùng kỳ, nhất là thu từ các ngành chủ chốt như ô tô, chế biến, chế tạo,...; ngành nông nghiệp phát triển khá nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; an sinh xã hội được thực hiện tốt; công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được tập trung cao độ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, khối ngành dịch vụ - du lịch có phục hồi nhưng còn chậm; số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động còn tăng, thu hút đầu tư giảm. Dự báo những tháng tiếp theo, với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch của tỉnh từng bước phục hồi, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển, nông nghiệp ổn định, tình hình thu hút đầu tư được cải thiện, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì và tiếp tục phát triển.

III. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM QUÝ II/2022

1. Cùng với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới; các Sở, Ban, Ban, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, biện pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2022 và Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành, đơn vị mình theo Công văn số số 834/UBND-TH ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh. 

Khẩn trương triển khai các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 27/3/2022; kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh; thực hiện điều chỉnh các quy hoạch liên quan để thu hút các dự án đầu tư; nhất là các dự án công nghiệp, phát triển nhà ở, dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch dịch vụ, đô thị,… với cách làm mới, bài bản, khoa học, thực chất, hiệu quả; tránh cách làm tùy tiện, manh mún, không hiệu quả.

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm cá nhân, vai trò của người đứng đầu tại địa phương, đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành. Chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; chỉ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý hoặc báo cáo trình cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 13/9/2016 và Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh; nhất là việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh về theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ của UBND tỉnh giao hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp thu ngân sách, chống thất thu và nợ đọng thuế; quản lý thu-chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh; chủ động thực hiện ngay giải pháp huy động các nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu mới phát sinh. 

Khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để triển khai và tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án đã giao kế hoạch vốn năm 2022; sớm tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư năm 2022 còn lại chưa được phân bổ; chú trọng công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 được phép kéo dài theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 10/2/2022. 

Phát huy vai trò, trách nhiệm các Sở chuyên môn trong công tác đề xuất chủ trương đầu tư, các Ban quản lý chuyên ngành làm chủ đầu tư các dự án; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, trong công tác quản lý đấu thầu, giám sát chất lượng công trình; thực hiện giải ngân, quyết toán, hoàn ứng các nguồn vốn xây dựng cơ bản đảm bảo đúng thời gian quy định. 

3. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng Đông Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045; các quy hoạch vùng huyện, liên vùng,...; thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, giao đất theo các quy định hiện hành; kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn để hoàn chỉnh các thủ tục về giao đất, tiến độ đầu tư xây dựng, nghĩa vụ tài chính,… theo quy định. 

Tập trung chỉ đạo, xử lý các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các dự án vùng Đông. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 và các quy định hướng dẫn có liên quan. Xử lý, giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư bất động sản du lịch đảm bảo theo quy định.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu chứa xử lý rác thải, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, gia cố đảm bảo an toàn các bãi chứa rác thải. Tăng cường công tác quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ.

4. Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2022 theo kế hoạch; đồng thời, tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh theo Công văn số 1956/UBND-KTN ngày 03/4/2022 của UBND tỉnh; triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn, tiết kiệm nước trong mùa nắng hạn năm 2022; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 theo kế hoạch. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo các chỉ đạo của UBND tỉnh, hạn chế tình trạng lây lan.

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao; tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

5. Tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các quy định liên quan, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chủ động rà soát, bổ sung các kịch bản để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; nhất là các nhà máy, xí nghiệp, trường học,... phải có phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình mới. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh mùa hè; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam lần thứ
IX năm 2022; các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Chủ động triển khai phương án đón khách quốc tế khi mở cửa lại du lịch theo chủ trương của Trung ương, đẩy mạnh thực hiện Bộ Tiêu chí du lịch xanh theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/3/2022; chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước; kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh. 

Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, triển khai phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhất là tuyển sinh vào 02 trường THPT chuyên và các trường PTDTNT. Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Kế hoạch số 697/KH-UBND ngày 17/02/2020 của UBND tỉnh. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững; đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nhất là lao động có trình độ cao. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.

6. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hạn chế, giảm các các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến, tích cực cải cách hành chính; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong xử lý công việc theo Công văn số 1910/UBND-NCKS ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh.

Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; trong đó tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Khai thác hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh để kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) theo hướng tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin trong phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế - xã hội; kết nối trực tuyến đến các địa phương để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện các giải pháp để khắc phục, nâng điểm số thành phần của các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính (PAPI) cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); từng ngành, địa phương tự rà soát để có biện pháp khắc phục nhanh những chỉ số thành phần còn thấp theo Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước thông tin và truyền thông, báo chí và xuất bản, đảm bảo cung cấp và đưa thông tin trung thực, chính xác, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, chấn chỉnh xử lý nghiêm các trường hợp cung cấp, đưa tin không đúng thẩm quyền và sai sự thật, tạo dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

7. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh theo kế hoạch. Đảm bảo quốc phòng và an ninh, giữ vững trật tự xã hội trên địa bàn, nhất là bảo vệ và thực thi pháp luật tại địa phương; tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; các kết luận sau Thanh tra, Kiểm toán; thực hiện tốt công tác đối ngoại theo kế hoạch được duyệt.

Tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Chuẩn bị kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo kịp thời, đủ số lượng làm việc trong các cơ quan nhà nước. Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để triển khai các Nghị quyết của Tỉnh uỷ về công tác cán bộ; xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Sở, Phòng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Quy định đánh giá, xếp loại hằng quý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.

 Triển khai thực hiện hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua. Chuẩn bị tốt nội dung các báo cáo, đề án để trình kỳ họp thứ 7 (tháng 4/2022), thứ 8 (tháng 6/2022) HĐND tỉnh, khóa X; Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (tháng 4/2022), thứ 8 (tháng 6/2022) khóa XXII và trình UBND tỉnh thông qua các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo phân công đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.

 Trên đây là báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình KT-XH của UBND tỉnh tháng 3, Quý I/2022; nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý II/2022. Yêu cầu các Sở, Ban ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.          

                                                                                        
 

 

Tin liên quan