Theo đó, Quy chế gồm có 05 Chương và 21 Điều; quy định việc quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong giao dịch điện tử và các hoạt động bảo mật thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Quy chế không quy định việc sử dụng chữ ký số, chứng thư số cho văn bản điện tử, các thông điệp điện tử chứa thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước.
Quy chế được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng, bao gồm: Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; Các Sở, Ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện; các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội có nhu cầu sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp; các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị nêu trên.
Các nội dung chính của Quy chế gồm giá trị pháp lý của chữ ký số; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Gửi, nhận văn bản đề nghị với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin; Gửi, nhận thiết bị lưu khoá bí mật; các hành vi bị nghiêm cấm; Đăng ký cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật; Nguyên tắc quản lý chữ ký số, chứng thư số và thiết bị lưu khóa bí mật; Nguyên tắc sử dụng chữ ký số, chứng thư số; Ký số trên văn bản điện tử; Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số; Giá trị pháp lý của văn bản được ký số; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế nêu trên.