Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023

Ngày 19/01/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 425/UBND-KTN về Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023

Theo đó, Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP năm 2023; tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch được duyệt. Khẩn trương rà soát, lựa chọn, lập danh sách các chủ thể, sản phẩm được các địa phương đăng ký, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2023. Triển khai chu trình OCOP thường niên theo quy định.

Tham mưu tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện báo, đài… chú ý đa dạng về hình thức, trong đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, lập kế hoạch lắp đặt một số pano ngoài trời để quảng bá về Chương trình OCOP; tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm ở cấp tỉnh.

 Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng phần mềm quản lý, lưu trữ các thiết bị nhằm số hoá công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (laptop, màn hình, thiết bị phục vụ họp trực tuyến,…) tránh tình trạng hồ sơ văn bản giấy quá nhiều như phản ánh của địa phương và chủ thể OCOP.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát những sản phẩm tiềm năng 05 sao, xây dựng kế hoạch, kinh phí hỗ trợ cho chủ thể và thuê tư vấn có chuyên môn để giúp hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tham gia dự phân hạng 05 sao OCOP cấp Trung ương năm 2023 theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ xây dựng Kế hoạch tham quan, học tập kinh nghiệm về Chương trình OCOP trong và ngoài nước cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp đảm bảo đúng quy định để thực hiện từ năm 2023.

 Tổ chức tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu (từ 4 sao trở lên) tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT theo Công văn số 790/VPĐP-OCOP ngày 24/10/2022 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Về việc kiểm tra, giám soát, thu hồi sản phẩm đã được công nhận hạng sao OCOP: Giao các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP vi phạm đến mức cần thu hồi Chứng nhận OCOP thì có thông báo bằng văn bản đến cơ quan thường trực Chương trình OCOP - Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Phát triển nông thôn) để tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi. Đặc biệt, cần tập trung xử lý nghiêm những sản phẩm không phải là sản phẩm OCOP, không rõ nguồn gốc, không đúng các quy định về an toàn thực phẩm, bao bì nhãn mác được bày bán tràn lan nhằm nâng cao giá trị, tạo sự công bằng cho những sản phẩm OCOP.

 Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: Củng cố, kiện toàn Bộ máy chỉ đạo, điều hành và giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Chương trình OCOP tại cấp huyện; bố trí cán bộ tham mưu, giúp việc theo hướng “chuyên nghiệp, tận tâm và hiểu biết”.

  Khẩn trương tổ chức rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia năm 2023 theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời phải chú trọng nâng cấp sản phẩm hiện có, không chạy theo số lượng, sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển.

 Các sản phẩm lựa chọn, đăng ký tham gia Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2023 cơ bản đảm bảo các yêu cầu: i) Sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương; ii) Việc phát triển sản phẩm sẽ làm tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân; iii) Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng sau khi được công nhận hạng sao OCOP, có sức cạnh tranh trên thị trường, có triển vọng xuất khẩu; iv) Sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO.../.

Tin liên quan