Sau khi nghe Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022; triển khai mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình năm 2023; báo cáo tham luận của các Sở, ngành, địa phương và ý kiến tham gia của các đại biểu dự Hội nghị; đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:
Năm 2022, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tích cực tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025; đến nay, đã ban hành trên 50 văn bản các loại, nhờ đó, cơ bản đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai Chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngay từ năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình của một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu; một số thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chưa sâu sát cơ sở (một số thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chưa đến xã được phân công phụ trách), công tác chỉ đạo thiếu tính cụ thể, không kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết một số vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện; trách nhiệm về quản lý của một số ngành còn hạn chế, nhất là hướng dẫn, chỉ đạo cấp cơ sở triển khai, thực hiện tiêu chí do ngành mình quản lý; một số huyện chậm chỉ đạo tổ chức Hội nghị sơ kết hàng năm và đề ra giải pháp thực hiện trong năm đến; ở một số địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới có biểu hiện chững lại, thiếu tập trung, có đến 98 xã không duy trì chuẩn, một số xã đã đạt chuẩn nay chỉ còn dưới 10 tiêu chí; số xã dưới 10 tiêu chí vẫn còn nhiều; việc chỉ đạo, kết quả thực hiện ở các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu còn hạn chế; việc quản lý, sử dụng vốn khi được phân cấp vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; nhiều xã chưa quan tâm đầu tư cho các tiêu chí sản xuất; việc báo cáo, phản ánh thông tin ở một số Sở, ngành, địa phương còn chậm, thiếu chính xác...
Để thực hiện Chương trình nông thôn mới đảm bảo đạt các mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 đã đề ra; UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan ngoài thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã trình bày tại Hội nghị, Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 02/02/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1.Tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng xã trong năm 2023, làm cơ sở để định hướng phát triển. Trong quy hoạch cần chú trọng đến quy hoạch sản xuất, gắn với vùng sản xuất tập trung; phải tổ chức sắp xếp lại xã một cách đồng bộ, khoa học, gắn với quá trình đô thị hóa, khớp nối liên vùng, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng huyện; các xã ven đô cần quy hoạch để định hướng lên đô thị, hạn chế lãng phí về sau. Tổ chức quản lý tốt quy hoạch nông thôn sau khi được phê duyệt. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp xem nhiệm vụ này là trọng tâm năm 2023 trong chỉ đạo, thực hiện; chọn các đơn vị tư vấn tốt, có tầm nhìn để làm quy hoạch. Hạn chế thấp nhất xã này quy hoạch giống xã kia, sao chép lẫn nhau trong làm quy hoạch. UBND cấp huyện thành lập Tổ quy hoạch để hỗ trợ, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ở cấp tỉnh, Sở Xây dựng sớm tổ chức tập huấn hướng dẫn quy hoạch cho các huyện, xã; trường hợp cần thiết nghiên cứu ban hành quy định mẫu quy hoạch để địa phương áp dụng thực hiện để đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với địa phương để đôn đốc thực hiện, theo dõi khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch nông thôn mới để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý.
Đối với các kiến nghị của Công ty Cổ phần Viện quy hoạch đô thị nông thôn Quảng Nam, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các ngành liên quan xem xét giải quyết, trong đó chú ý hướng dẫn quy trình thực hiện đồng thời quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã để tiết kiệm thời gian, nguồn lực, hướng dẫn việc trình, ban hành quy chế quản lý kiến trúc để phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định, hướng dẫn của Trung ương; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hướng dẫn khớp nối quy hoạch chung xây dựng xã với quy hoạch sử dụng đất, hướng dẫn trong việc sử dụng, kiểm tra bản đồ nền địa hình.
2. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; xác định xây dựng nông thôn mới phải được tiến hành một cách liên tục, không ngưng nghỉ, chuyển mạnh vào chiều sâu, bền vững, phát huy cao sự chủ động, sáng tạo của người dân; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, thỏa mãn. Xây dựng nông thôn mới là việc làm mang lại lợi ích cho chính gia đình mình, thôn mình và cho xã, huyện mình. Từ đó mỗi người dân hưởng ứng, tham gia tích cực và phát huy được nội lực trong Nhân dân để chung tay góp sức vào xây dựng làng quê, tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Sẽ không có thôn nông thôn mới, xã nông thôn mới, nếu như từng hộ gia đình nông thôn không phải là những hộ gia đình nông thôn mới. Đề nghị huyện/thị/thành ủy các huyện sớm ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (đối với địa phương chưa ban hành). Yêu cầu 100% UBND huyện, thị xã, thành phố đều tham gia đủ các nội dung của cuộc thi vườn, tường, đường, cơ sở vật chất văn hóa đẹp theo Kế hoạch UBND tỉnh đã phát động. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu UBND tỉnh duy trì cuộc thi hằng năm để những hộ, thôn, xã không đạt giải năm này có điều kiện thi năm sau.
3. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn là nội dung cốt lõi trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tập trung cao thực hiện Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu; phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân; ưu tiên thúc đẩy chế biến sâu, cơ sở bảo quản, kết nối với chuỗi cung ứng, hình thành nhóm sản phẩm chủ lực theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc thù theo vùng, miền; thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn, chuyển đổi số.
4. UBND các huyện liên quan chỉ đạo 06 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới 2022 khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để trình cấp thẩm quyền xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong quý II/2023; chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu năm 2023 đã đề ra. Hiện nay, các xã nông thôn mới năm 2023 khối lượng công việc còn lại rất lớn, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công người chịu trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; đặc biệt năm 2023 có 02 xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (xã Trà Giang, xã Phước Năng), đề nghị địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận khi lập hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo ngay bằng văn bản về UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh để có chỉ đạo, xử lý.
Năm 2024-2025 còn lại hầu hết là các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nên đề nghị các cấp ủy, UBND các huyện miền núi có kế hoạch tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nằm trong lộ trình theo tiến độ đề ra, không để dồn vào cuối năm 2025 sẽ không đủ thời gian thực hiện.
5. Tập trung duy trì, nâng chuẩn ở các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đề nghị các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể để duy trì, nâng chuẩn; lãnh đạo các địa phương này cần thay đổi cách nhìn, cách chỉ đạo, vì xã, huyện đã đạt chuẩn thì hầu hết có điều kiện thuận lợi hơn những địa phương còn lại; do đó cần đẩy mạnh xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu đi vào chất lượng, chiều sâu; tập trung các tiêu chí mềm, các tiêu chí hướng đến phục vụ chất lượng cuộc sống của người dân; sử dụng nguồn duy trì, nâng chuẩn hiệu quả, ưu tiên để duy trì các tiêu chí chưa đạt và các chỉ tiêu mới tăng thêm. Phấn đấu cuối năm 2023, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới duy trì nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.
6. Xây dựng nông thôn mới có 03 nội dung quan trọng, một là cơ chế, chính sách phải rõ ràng, hai là sự đồng thuận của người dân và ba là cần có nguồn ngân sách hỗ trợ, nhưng nguồn nội lực vẫn là chính, nguồn ngân sách là vốn trợ lực để huy động các nguồn lực khác; đề nghị địa phương có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng theo quy định, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn 03 Chương trình MTQG và các nguồn khác theo cơ chế lồng ghép tại Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND. Vốn năm 2022 chuyển sang và vốn năm 2023 đã được phân bổ cho cả 3 Chương trình MTQG nên khối lượng công việc ở cấp huyện sẽ rất lớn; do đó, UBND cấp huyện, xã khẩn trương có giải pháp linh hoạt, chủ động để tổ chức triển khai các nguồn vốn, cần thiết thì thành lập tổ để đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ xã hoàn thiện thủ tục đầu tư; đến ngày 30/6/2023, công trình, dự án nào có tỷ lệ giải ngân 0% kiên quyết điều chuyển cho công trình dự án khác trên địa bàn xã hoặc điều chuyển cho xã khác trong địa bàn huyện; tập trung chỉ đạo quyết toán dự án hoàn thành và xử lý nợ khối lượng đối với các công trình giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xử lý dứt điểm nợ đọng trước quy II/2023, để hoàn thiện các hồ sơ, chứng từ phục vụ kiểm toán Chương trình nông thôn mới.
7. Tiếp tục chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện việc khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng trong Chương trình nông thôn mới và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; các Sở, ngành, UBND cấp huyện sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục khai thác quỹ đất để xã thuận lợi trong quá trình thực hiện khai thác quỹ đất theo quy định.
8. Thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, xem yếu tố con người trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ “then chốt” trong quá trình tổ chức thực hiện. Cán bộ xây dựng nông thôn mới phải là người làm được việc, có trách nhiệm, nắm rõ quy định và vận dụng sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
9. Các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện, xã, thôn hoàn thành các nội dung, tiêu chí do ngành phụ trách; tăng cường đi thực tế, bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hướng dẫn cần chi tiết, có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Chịu trách nhiệm nếu tiêu chí mình phụ trách không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Đối với những nội dung chưa hoàn thành việc hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, đề nghị Sở, ngành khẩn trương tham mưu ban hành trong tháng 3/2023 để địa phương có cơ sở thực hiện.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các Hội, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; vận động huy động nội lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới./.