Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.
Rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống đài truyền thanh các xã cần chuyển đổi để có phương án đầu tư hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và đồng bộ với cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo hiệu quả sử dụng bền vững, tránh lãng phí trong đầu tư.
Đối với đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông nâng cấp, mở rộng cần đánh giá kỹ hiện trạng các cụm loa, xác định nhu cầu thực tế, đồng thời đối chiếu với Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin–viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2023 để đề xuất phương án đầu tư phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, địa phương liên quan đề xuất phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh đối ứng để triển khai thực hiện Nghị quyết gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá các nội dung thực hiện của Nghị quyết đã đề ra.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn ngân sách tỉnh đối ứng để triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2022 của HĐND tỉnh trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định.
UBND các huyện chủ trì, thực hiện đầu tư đài truyền thanh cấp xã theo nội dung Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 21tháng 3 năm 2023 của HĐND tỉnh và theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông; đảm bảo hệ thống đài truyền thanh cấp xã được đầu tư đồng bộ, kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh và Trung ương; đảm bảo tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn, an ninh thông tin. Hằng năm, xây dựng dự toán đề cương chi tiết gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định theo quy định hiện hành, làm cơ sở lập thủ tục đầu tư ở các bước tiếp theo. Bố trí ngân sách địa phương đối ứng đầu tư và duy trì hoạt động hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông theo tỷ lệ quy định. Rà soát, quy hoạch vị trí lắp đặt các cụm loa đảm bảo phù hợp với hạ tầng thông tin phủ sóng các khu vực dân cư đúng với quy định và điều kiện thực tiễn từng địa phương. Thực hiện cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin của đài truyền thanh cấp xã. Chỉ đạo UBND các xã thực hiện quản lý trực tiếp, bố trí nhân lực khai thác, vận hành hoạt động của đài truyền thanh cấp xã theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên./.