Tài liệu bản sao điện tử được chứng thực là nguồn tài liệu quan trọng, bảo đảm giá trị pháp lý được chuyển đổi từ hồ sơ giấy tờ truyền thống sang hồ sơ điện tử phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. UBND tỉnh đánh giá cao, biểu dương một số địa phương thực hiện tốt việc triển khai thực hiện dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia như Tam Kỳ, Hội An, Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công này có một số hạn chế như: thiếu cơ sở vật chất tại các cơ quan thực hiện chứng thực, các thiết bị chỉ mới đáp ứng ở mức cơ bản nhất, đa số các máy quét văn bản của các cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh sử dụng chung, chưa bố trí được máy quét (Scan) khổ lớn A0, A1, A2; đường truyền mạng tại một số huyện miền núi thiếu ổn định. Hệ thống mã xác thực OTP của Cổng DVC quốc gia đôi lúc bị lỗi; vẫn còn các địa phương chưa xử lý được các lỗi kỹ thuật trong việc cài đặt chứng thư số, Plugin ký số; từ năm 2023 Hệ thống bắt buộc cá nhân, tổ chức phải có tài khoản trên Cổng DVC quốc gia mới thực hiện được chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Lãnh đạo của một số địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện; việc xây dựng kế hoạch triển khai chưa kịp thời, chưa phân công đúng người, đúng việc từng khâu trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã sử dụng Sim điện thoại không chính chủ nên gặp khó khăn trong việc đăng ký tài khoản. Môt số địa phương có kết quả triển khai, thực hiện rất thấp như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn.
Để tăng cường trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến có sử dụng kết quả số hóa từ hồ sơ chứng thực điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầuUBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay các nhiệm vụ:
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia; sử dụng tài khoản quản trị được cấp trên Cổng DVC quốc gia để quản lý, theo dõi, phân quyền đầy đủ, phù hợp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức khi có sự thay đổi, bổ sung nhân lực tham gia quy trình chứng thực bản sao điện tử.
- Chỉ đạo nâng cấp đường truyền mạng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cũng như thực hiện các DVC trực tuyến, trang bị máy Scan dành riêng cho bộ phận chứng thực bản sao điện tử trong điều kiện số lượng hồ sơ yêu cầu chứng thực điện tử tăng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân, tổ chức.
- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các bộ phận có liên quan để tăng cường thực hiện chứng thực bản sao điện tử tại địa phương. Kịp thời tổng hợp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng DVC chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
- Tổ chức tuyên tuyền việc sử dụng kết quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đến cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh sự hưởng ứng từ người dân nhằm triển khai thành công thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Riêng đối với các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn cần thực hiện ngay: Giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin, Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện khẩn trương tổ chức tập huấn cho cán bộ tư pháp, hộ tịch cấp xã thực hiện thành thạo, đảm bảo 100% UBND cấp xã hoàn thành nhiệm vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia trong tháng 9 năm 2023. Làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị không thực hiện nhiệm vụ này; thường xuyên tổng hợp kết quả triển khai của UBND cấp xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để báo cáo UBND tỉnh trước ngày 01/10/2023.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tiếp tục theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia; hướng dẫn, theo dõi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổng hợp tham mưu UBND tỉnh đánh giá, tổng kết trong Quý IV năm 2023.