PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển vùng bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều chỉ tiêu bị sụt giảm nghiêm trọng so với kế hoạch đề ra. Kể từ năm 2021, các địa phương trong vùng bắt đầu phục hồi mức tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng. Tuy nhiên, mức phục hồi còn chậm và chưa tướng xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn trước và sau dịch Covid-19; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của vùng trong thời kỳ hội nhập.

1. Đặt vấn đề

Phát triển vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm rất sớm và được nêu rõ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII: “Tạo điều kiện cho tất cả các vùng đều phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của mỗi vùng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019a). Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì lộ trình và mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam cần gắn liền với lộ trình và mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập từ cuối năm 1997, gồm 04 tỉnh (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định) và 01 thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng) được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với sự thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như lực lượng lao động dồi dào, vùng KTTĐ miền Trung đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế vùng thời gian qua. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và vùng KTTĐ miền Trung nói riêng. Nghiên cứu này phân tích thực trạng phát triển của vùng KTTĐ miền Trung trước và sau đại dịch Covid-19, qua đó đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phục hồi kinh tế của vùng trong trạng thái bình thường mới.

2. Thực trạng phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016-2022

2.1. Tăng trưởng kinh tế vùng

Trong giai đoạn 2016-2019, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Năm 2019, quy mô GRDP toàn vùng chiếm khoảng 7,17% GDP cả nước, cao hơn so với năm 2016 (6,98%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng được duy trì ở mức cao (8,99%/năm), tăng trưởng hơn so với giai đoạn 2011-2015 (7,46%/năm) (nguyên nhân giai đoạn này cao hơn). Tăng trưởng kinh tế các địa phương trong vùng có sự sụt giảm đáng kể trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có mức tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với giai đoạn 2016-2019. Năm 2021, tăng trưởng của vùng KTTĐ miền Trung đạt 6,3%, trong đó 5 địa phương trong vùng đều có mức tăng trưởng dương. Điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của các nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19. Năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỷ đồng, tăng 11,2%, vượt chỉ tiêu đề ra (7,5-8%); đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thành phố Đà Nẵng có tốc độ phục hồi nhanh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, nổi bật GRDP năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng, Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,56%, vượt kế hoạch đề ra là 6,5-7,5%; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 66.348 tỷ đồng.

GRDP bình quân đầu người vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhìn chung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2019. Năm 2019, GRDP bình quân đầu người vùng đạt 66,2 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (khoảng 63 triệu đồng). Các địa phương nội vùng có sự chênh lệch lớn về GRDP bình quân đầu người. Trong đó, năm 2019, thành phố Đà Nẵng có GRDP bình quân đầu người 97,1 triệu đồng. Quảng Nam GRDP bình quân đầu người cao thứ hai trong vùng (66,3 triệu đồng) nhờ sự đóng góp của khu kinh tế mở Chu Lai. Sự ra đời của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng góp phần giúp cho GRDP bình quân đầu người ở Quãng Ngãi cao thứ 3 của vùng với 65,4 triệu đồng. Đây cũng là địa phương có mức tăng trưởng GRDP bình quân đầu người cao nhất vùng với 8,61%. Thừa Thiên Huế và Bình Định là hai tỉnh có GRDP bình quân đầu người thấp nhất vùng. Năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, GRDP bình quân đầu người của vùng có xu hướng giảm, đạt 64,8 triệu đồng/người. Năm 2022, GRDP bình quân của vùng được cải thiện với mức tăng trưởng hầu hết ở các địa phương. Trong đó, GRDP bình quân của Đà Nẵng cao nhất đạt 102,6 triệu đồng/người, tiếp đến là Quảng Ngãi đạt 97,67 triệu đồng/người, kế đến Quảng Nam đạt 76,60 triệu đồng, Bình Định đạt 70,70 triệu đồng/người. Thấp nhất là Thừa Thiên Huế GRDP đạt 57 triệu đồng/người.

2.2. Cơ cấu kinh tế theo ngành

Cơ cấu kinh tế vùng giai đoạn 2016-2022 chuyển dịch theo hướng Dịch vụ, Công nghiệp – Xây dựng, Nông nghiệp. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng có sự chuyển dịch không đồng đều. Trong đó, 2 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ. Riêng tỉnh Bình Định, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GRDP còn khá cao, ngang với tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp- xây dựng. 

Năm 2020, diễn biến phức tạp của đại dịch làm nhu cầu lương thực thực phẩm tăng cao nên khu vực nông nghiệp của vùng có cơ hội mở rộng sản xuất, GRDP của ngành nông nghiệp tăng 14,3% so với năm 2019. Tỷ trọng đóng góp của khu vực nông nghiệp trong năm này tăng 2,2% so với năm 2019. Đây cũng là khu vực kinh tế có mức tăng trưởng dương duy nhất của vùng. Giãn cách xã hội cùng sự đóng băng hoạt động của các doanh nghiệp khiến hai khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có mức tăng trưởng âm so với năm 2019, tương ứng -8,9% và -0,8%. Năm 2022, các khu vực kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 42,8% GDP, khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 15,4% GDP, tương đương năm 2020; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 30%, tăng 1% so với năm 2020. 

2.3. Đầu tư phát triển

Trước đại dịch tổng vốn đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt 166.933 tỷ đồng, tăng 45.2% so với năm 2016. Tỷ lệ vốn đầu tư của vùng so với GRDP đạt 40,8%, tăng 2,7% so với năm 2016. Đa số các địa phương trong vùng ở giai đoạn này đều có tỷ trọng đóng góp của vốn đầu tư vào GRDP của vùng cao hơn mức bình quân của cả nước. Đáng chú ý là hai tỉnh Bình Định và Thừa Thiên Huế là những địa phương có tỷ trọng vốn đầu tư trên GRDP cao nhất vùng. Chỉ số này cho thấy mức độ thâm dụng vốn của hai địa phương này nhiều, tạo điều kiện duy trì mức tăng trưởng cao dựa trên xu hướng phát triển theo chiều rộng. Dưới tác động của dịch bệnh, tổng vốn đầu tư của vùng giảm dần từ 2020 đến 2021. Năm 2021, vùng có tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 152.405 tỷ đồng, giảm 8,7% so với trước đại dịch, chủ yếu do sự sụt giảm vốn đầu tư ở các địa phương Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có mức giảm vốn đầu tư lớn nhất với mức giảm hơn 40% do nguyên nhân chủ yếu là có 09 dự án bị thu hồi. Đà Nẵng là địa phương có mức giảm vốn đầu tư lớn thứ hai của vùng với mức giảm 19,4%. Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt 222.161 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Nam là địa phương có tổng vốn đầu tư đạt 76.445 tỷ đồng, kế đến Bình Định đạt 46.942 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế có mức đầu tư thấp nhất đạt 28.000 tỷ đồng (Đức Thuận, 2022)

2.4. Tình hình thu chi ngân sách

Vùng KTTĐ miền Trung có đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cả nước trong giai đoạn 2016-2019, thể hiện vai trò vị trí hạt nhân so với các địa phương khác trên cả nước. Tỷ trọng đóng góp của thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2019 chiếm khoảng 6,32% tổng thu ngân sách Việt Nam, tăng 1,35% so với năm 2017. Trong đó, nguồn thu nội địa chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn thu ngân sách của vùng. Nổi bật là khoản thu ngân sách 8,2 nghìn tỷ đồng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi. Chi ngân sách toàn vùng năm 2019 đạt 88,7 nghìn tỷ đồng, chủ yêu là chi thường xuyên. Cán cân thu – chi năm 2019 thặng dư khoảng 664 tỷ đồng. 

Năm 2020, nhìn chung thu ngân sách của các tỉnh có sự giảm sút khá lớn do tác động của đại dịch. Tại Đà Nẵng, tính đến tháng 11/2020, tổng thu ngân sách Nhà nước trên  địa bàn thành phố chỉ đạt 61,6% dự toán năm 2020 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn thu từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 2/3 tổng thu ngân sách Nhà nước. Chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến tháng 11/2020 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoài, trong đó chủ yếu là chi thường xuyên với mức 14 090 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 giảm 6,4% so với năm 2019. Trong đó, thu nội địa chiếm 85,2% với các nguồn thu chủ yếu đến từ khu vực công thương – ngoài quốc doanh với tỷ trọng 62% thu nội địa và các nguồn khác như thu tiền sử dụng đất, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng chi ngân sách năm 2020 giảm 4% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển giảm 1% và chi thường xuyên giảm 6%. Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các khoản thu đều thấp so với dự toán đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt khoảng 77% dự toán. Bình Định và Huế là hai địa phương trong vùng có tổng thu ngân sách tăng trong năm 2020 nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị cùng các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Năm 2021, tình hình thu ngân sách Nhà nước của vùng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương đã linh hoạt trong thu chi, điều hành chặt chẽ dự toán được giao để đảm bảo những nguồn lực phát triển kinh tế xã hội và các kinh phí trong công tác phòng chống dịch. 

Tuy vậy, với những quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có sự hồi phục tốt, năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 24.131 tỉ đồng, đạt 122,9% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tỉnh Quảng Nam thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 32.144 tỷ đồng, vượt mốc dự toán (26.000 tỷ đồng), đạt 135,6% dự toán HĐND giao và vượt 40,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 128 lần so với năm 1997. Tuy vậy, đóng góp ngân sách cũng chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Tập đoàn Ô tô Chu Lai - Trường Hải hơn 16.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp thủy điện 1.360 tỷ đồng; nhà máy bia Heineken dù không đạt dự toán nhưng cũng đóng góp được 670 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cũng đóng góp được 241 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định lập kỷ lục mới trong thu ngân sách khi tổng thu năm 2022 ước đạt hơn 16.500 tỉ đồng, vượt qua kỷ lục cũ lập năm 2021 hơn 2.000 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 28.632 tỷ đồng, tăng 22,2% so với dự toán Trung ương giao, tăng 19,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong khi đó tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng thu ngân sách đạt 12.781,0 tỷ đồng, bằng 186,3% dự toán năm.

3. Một số giải pháp

Dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước đan xen thuận lợi và khó khăn; trong đó, mặt khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, gay gắt hơn. Hậu quả dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó, có chiến sự Nga - Ukraine, xung đột giữa Israel-Hamas, kinh tế thế giới suy giảm; tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và nước ta. Để đảm bảo sự phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của vùng thời gian tới, nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sau:

Thứ nhất, Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị;  Các Tỉnh, thành ban hành ngay Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó tập trung những mục tiêu, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế của từng tỉnh nói riêng và Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung, tạo động lực mới để các tỉnh, thành phố trong Vùng chia sẻ cơ hội, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, cùng nhau tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.

Thứ hai, Các tỉnh, thành trong vùng khẩn trương triển khai công bố Quy hoạch và tham mưu Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các Quy hoạch của từng tỉnh, thành đảm bảo kịp thời. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các hồ sơ quy hoạch liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh.

Thứ ba, Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế của vùng thông qua việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả; tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; thực hiện quy hoạch lại, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hợp lý nhằm khai thác tối đa lợi ích của vùng; tham mưu và triển khai khẩn trương kế hoạch khôi phục du lịch của vùng, thích ứng linh hoạt để hoạt động khôi phục du lịch đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho du khách và cộng động; hoàn thiện, triển khai có hiệu quả phương thức phân phối hàng hóa lượng thực, các sản phẩm thiết yếu cho người dân trong tình hình diễn biến dịch còn phức tạp; đẩy mạnh kết nối cung cầu, tăng cường quảng bá các hình ảnh nông sản đặc trưng của vùng. 

Thứ tư, Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở nâng cao năng lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách về hỗ trợ nguồn vốn, thuế, đất đai; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết.

Thứ năm, Cải thiện cơ chế, chính sách phù hợp các thông lệ quốc tế, các cam kết của các FTA, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tăng cường thu hút chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng giá đất. Hỗ trợ kịp thời các dự án đang có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với giám sát, hướng dẫn kịp thời. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo động lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Thứ sáu, Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xây dựng các sàn giao dịch việc làm offline và online để kết nối cung – cầu trên địa bàn vùng và trong cả nước. Đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng để nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Tuyên truyền và thực thi các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... cho người lao động. Định hướng rõ ràng trong công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn các địa phương trong tương lai. 

Thứ bảy, Tăng cường công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế. Thực hiện tốt công tác đối ngoại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát; tăng cường quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện, chú trọng công tác hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả thiết thực; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại theo các quy định của Trung ương. Tập trung xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với nước, đối tác truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Châu Âu, Châu Úc.... 

Kết luận

Bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với tốc độ lây lan nhanh chóng cùng các đợt cách ly dài ngày đã ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của vùng KTTĐ miền Trung. Dưới sự lãnh đạo quyết tâm, quyết liệt, của cả hệ thống chính trị, chung sức, chung lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế của nhiều địa phương trong vùng vẫn đạt được những tín hiệu tích cực. Song thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo động lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Hỗ trợ kịp thời các dự án đang có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội./.

Tin liên quan